Người sống nhiều hơn không phải là người cao tuổi hơn, mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn. (JEAN JACQUES ROUSSEAU) |
Việt Nam đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục mầm non cho tất cả trẻ em
Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có 290 học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ chỉ đạo giáo dục mầm non đến từ 11 nước cùng đại diện lãnh đạo cấp cao của mộ số Tổ chức quốc tế và đại diện một số đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Toàn cảnh Hội thảo“Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non
có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1”
Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Phát triển GDMN, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, năm 2011 ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển GDMN. Mục tiêu là nhằm tăng số lượng trẻ em đi học, thực hiện chăm sóc và giáo dục bán trú có chất lượng, bảo đảm hầu hết trẻ em ở mọi vùng miền được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Chính sách phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ban hành đã được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ triển khai, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ. Đặc biệt, WB đã hỗ trợ dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non giai đoạn 2013-2017" giải ngân hòa vào ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tính đến tháng 6/2017, tất cả các mục tiêu của dự án nêu trên đã thực hiện hoàn thành đúng hạn. Mới đây nhất, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (SDG4), mục tiêu 4.2 nêu rõ: “Đến năm 2030, đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trẻ em trai tiếp cận được các dịch vụ phát triển trẻ thơ, chăm sóc và giáo dục mầm non có chất lượng để mọi trẻ em sẵn sàng đến trường”. Kết quả thực hiện chính sách GDMN những năm qua rất tích cực, trong 5 năm, 63/63 tỉnh, thành phố của cả nước đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục mầm non và ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội thảo
Đến nay, hầu hết trẻ em 5 tuổi được huy động đến trường để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được phát triển theo hướng chuẩn hóa và về căn bản mỗi xã/phường đều có 1 trường mầm non; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được phát triển cả về số lượng và chất lượng; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu đặc biệt được đảm bảo quyền được chăm sóc giáo dục. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn mà giáo dục mầm non Việt Nam còn gặp phải như trẻ lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt thấp; còn tồn tại khoảng cách giữa các vùng, miền về giáo dục mầm non, đặc biệt là vùng núi cao, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như World Bank, UNICEF, Unessco, NGOs trong phát triển giáo dục mầm non Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ giáo dục mầm non Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, World Bank hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn; UNICEF hỗ trợ về chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm; chính sách và mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ ở khu công nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi cao. Tại hội thảo, nhiều diễn giả cao cấp trong nước và quốc tế chia sẻ tham luận về những vấn đề nổi bật của giáo dục mầm non trên thế giới và trong khu vực như: chính sách, chương trình phát triển, điều kiện đảm bảo chất lượng, sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ thơ theo điều kiện của mỗi nước, mỗi đơn vị. Đặc biệt nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm, thành quả thực tiễn trong quá trình triển khai giáo dục mầm non nói chung và trong công tác tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ nói riêng. Đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển giáo dục, ông Ousmane Dione, Giám đốc các chương trình dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Thông qua chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Việt Nam đã bảo đảm quyền tiếp cận ít nhất một năm giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em, tiếp theo đó là giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tham vọng hơn và tuyên bố rằng quyền tiếp cận giáo dục, đơn giản cho trẻ ngồi trong lớp học là chưa đủ. Giáo dục phải có chất lượng cao để bảo đảm trẻ học tập được. Ông Youssouf Abdel Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam thì cho rằng: Đầu tư vào phát triển tuổi thơ là đầu tư với chi phí thấp và có hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam. Những can thiệp ngay từ sớm cho trẻ em sẽ giúp các em đạt được nhiều thành công khi các em đến tuổi đi học tiểu học và giúp cải thiện sức khỏe cũng như giúp các em phát triển toàn diện. Khi trưởng thành, các em sẽ có cơ hội có việc làm tốt hơn, có thu nhập cao hơn, sức khỏe tốt hơn và lệ thuộc ít hơn vào phúc lợi xã hội. Thông qua hội thảo, những vấn đề then chốt, có tính thời sự của giáo dục mầm non các nước và Việt Nam đã được đánh giá, phân tích sâu. Đặc biệt, Hội thảo cũng là một kênh thông tin để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đưa ra những kiến nghị, chính sách và giải pháp để giáo dục mầm non ngày càng phát triển và đạt được những mục tiêu trong giai đoạn sắp tới. Trung tâm Truyền thông giáo dục
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
Trường mẫu giáo tư thục Ánh Sáng. Địa chỉ: K83/7 Huỳnh Ngọc Huệ - Thanh Khê - Đà Nẵng Nhận các cháu có độ tuổi từ 3 tuổi đến 5 tuổi. Phụ huynh có nhu cầu gởi con, xin liên hệ tại văn phòng nhà trường để làm thủ tục nhập học cho cháu. |